NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ CỦA TÀI SẢN VÔ HÌNH

Bao gồm 04 yếu tố chính: Các thuộc tính, đặc điểm của tài sản vô hình; Phạm vi chuyển nhượng, cấp phép sử dụng tài sản vô hình; Thị trường của tài sản vô hình (cung – cầu) và Chính sách, pháp luật

NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ CỦA TÀI SẢN VÔ HÌNH

1. Các thuộc tính, đặc điểm của tài sản vô hình

Các đặc điểm chức năng, công dụng của tài sản vô hình cần thẩm định giá góp phần trực tiếp vào việc tạo nên giá trị của tài sản vô hình. Các tài sản vô hình có nhiều chức năng, công dụng hữu ích, có thể góp phần đáng kể tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp sẽ có giá bán cao hơn.

Tình trạng pháp lý của tài sản vô hình cũng tác động đến giá của tài sản vô hình. Các vấn đề liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản bao gồm: Tài sản vô hình cần thẩm định giá hiện nay có đang bị tranh chấp hay không? Tài sản vô hình thuộc loại được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hay không? Hình thức và phạm vi bảo hộ của tài sản vô hình? Các tài sản vô hình có các đặc tính dẫn tới tăng nguy cơ bị xâm phạm, sao chép cũng làm giảm giá tài sản vô hình đó.

Tình trạng sử dụng của tài sản vô hình cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá của tài sản vô hình. Ví dụ như tài sản đã được sử dụng bao lâu, có cải tiến trong thời gian qua không? Thị phần hiện tại của sản phẩm hoặc dịch vụ tạo ra bởi tài sản vô hình? Tuy nhiên, khác với nhiều tài sản hữu hình, nhiều tài sản vô hình được trả giá cao hơn khi đã được sử dụng rộng rãi trong một thời gian nhất định, ví dụ như nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại.

Các tài sản, nguồn lực cần thiết (nếu có) để đưa tài sản vô hình cần thẩm định giá vào sử dụng trong các hoạt động kinh tế, ví dụ như máy móc, thiết bị, nhân lực cần có để sử dụng tài sản vô hình trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp giá cả hoặc các nguồn lực cần thiết để phát huy hiệu quả của tài sản vô hình không sẵn có cũng làm giảm cầu đối với tài sản vô hình này, dẫn tới giảm giá trị của tài sản vô hình.

Chi phí ban đầu tạo ra tài sản vô hình cũng là một yếu tố luôn cần phải cân nhắc đến khi tiến hành chuyển nhượng, cấp phép sử dụng tài sản vô hình. Đối với nhiều tài sản vô hình, chi phí ban đầu để tạo ra tài sản vô hình là khá lớn, tuy nhiên không phải lúc nào chi phí cũng tỷ lệ thuận với giá của tài sản vô hình do còn tùy thuộc nhiều vào khả năng thương mại hóa của tài sản vô hình đó.

2. Phạm vi chuyển nhượng, cấp phép sử dụng tài sản vô hình

Giá của tài sản vô hình phụ thuộc vào hình thức giao dịch là chuyển nhượng hay cấp phép sử dụng. Phạm vi của việc chuyển nhượng, cấp phép cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá, ví dụ như người được cấp phép được độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng tài sản vô hình; được chuyển giao lại hoặc không được chuyển giao lại quyền sử dụng tài sản vô hình cho bên thứ ba; thời hạn sử dụng tài sản vô hình khi cấp phép; quyền được cải tiến, nhận thông tin cải tiến (nếu có) của tài sản vô hình; phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do tài sản vô hình được chuyển nhượng, cấp phép tạo ra; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, bảo hành và các điều kiện, tài sản kèm theo; đóng góp của mỗi bên đối với các hoạt động tạo lập, duy trì và khai thác tài sản vô hình, tài sản trí tuệ (ví dụ như chi phí quảng cáo, phát triển nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ; chi phí liên quan đến việc kiện tụng khi tài sản trí tuệ bị xâm phạm…). Ngoài ra, việc tài sản vô hình được giao dịch riêng lẻ hay là một bộ phận của một nhóm tài sản được giao dịch cũng ảnh hưởng tới giá của tài sản vô hình.

3. Thị trường của tài sản vô hình (cung – cầu)

Cũng như các loại hàng hóa khác, tài sản vô hình chịu tác động mạnh mẽ của thị trường, trạng thái cung – cầu đối với tài sản này. Các yếu tố về lực lượng tham gia thị trường, số lượng và động thái người mua người bán tiềm năng, tình trạng các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nhu cầu và thị hiếu của người mua, tình hình lạm phát, các chỉ số biến động giá đối với nhóm tài sản liên quan (nếu có), sự sẵn có của các tài sản vô hình tương tự đều ảnh hưởng đến giá của tài sản vô hình. Đặc điểm và điều kiện thị trường của tài sản vô hình có thể thay đổi theo thời gian cũng như khác nhau theo từng khu vực địa lý, vì vậy thời điểm và địa điểm giao dịch cũng ảnh hưởng tới giá của tài sản vô hình.

4. Chính sách, pháp luật

Các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách khuyến khích thương mại hóa tài sản trí tuệ, các ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh, các chính sách phát triển nền kinh tế tri thức cũng như việc tham gia các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng có tác động khuyến khích việc thương mại hóa tài sản vô hình và đưa tài sản vô hình vào sản xuất, kinh doanh, góp phần làm tăng giá của tài sản vô hình.

Ngoài các yếu tố chính đã được phân tích, giá của tài sản vô hình còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: triển vọng của lĩnh vực, ngành cụ thể liên quan (trong đó có ngành, lĩnh vực sản phẩm mà tài sản vô hình có đóng góp để tạo ra), triển vọng của nền kinh tế gồm các yếu tố của môi trường kinh tế (như lạm phát, tỷ giá hối đoái,…) và môi trường chính trị trong nước và ngoài nước; quan hệ giữa bên bán và bên mua (quan hệ thị trường hay phi thị trường?); phương án thanh toán giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (trả trước hay trả sau? điều kiện thanh toán cụ thể?).

Nguồn: Tổng hợp