THỰC THI CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP TỪ NGÀY 1 THÁNG 7

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 36/2024/TT-BTC ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.Thông tư có hiệu lực từ 1/7/2024

THỰC THI CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP TỪ NGÀY 1 THÁNG 7

Như nội dung thông tư 36/2024/TT-BTC có nêu rõ, cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp được dựa trên các yêu tố: Mục đích thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, đặc điểm thị trường của doanh nghiệp đang hoạt động, quy định có liên quan của pháp luật.

Các nội dung khác được thực hiện theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cơ sở giá trị thẩm định giá.

Chuẩn mực về sử dụng báo cáo tài chính trong TĐG doanh nghiệp

Để đảm bảo tính tin cậy, hợp lý, chính xác của báo cáo tài chính doanh nghiệp, việc sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp căn cứ vào cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá được lựa chọn, thời điểm thẩm định giá và đặc điểm của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, thẩm định viên hay công ty thẩm định giá cần ưu tiên sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập.

Dà soát tính hợp lý của báo cáo tài chính, trường hợp cần thiết thẩm định viên có thể đề nghị doanh nghiệp được thẩm định giá điều chỉnh lại số liệu trong báo cáo tài chính trước khi đưa số liệu này vào phân tích thông tin, áp dụng cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.

Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh thông tin thì thẩm định viên xác định chênh lệch và có phân tích rõ nội dung, căn cứ điều chỉnh và ghi rõ trong báo cáo thẩm định giá.

Trường hợp sử dụng số liệu từ báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, soát xét, hoặc báo cáo tài chính được kiểm toán, soát xét nhưng có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần thì phải nêu rõ hạn chế này trong phần hạn chế tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.

Lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp

Theo thông 36/2024/TT-BTC có nêu rõ cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp phải phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp hiện tại và sau thời điểm thẩm định giá.

Cách tiếp cận từ chi phí: Giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Điển hình về phương pháp thẩm định giá được sử dụng trong cách tiếp cận từ chi phí là phương pháp tài sản.

Cách tiếp cận từ thị trường: Giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị của doanh nghiệp so sánh với doanh nghiệp cần thẩm định giá. Doanh nghiệp so sánh phải có những tương đồng về: quy mô công ty; ngành nghề kinh doanh chính; rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính; các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá. Phương pháp định giá trong cách tiếp cận từ thị trường là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.

Cách tiếp cận từ thu nhập: Giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được tại thời điểm thẩm định giá. Phương pháp sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu.

Lưu ý, khi thẩm định viên thẩm định giá trị doanh nghiệp bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá.

Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng vào giá trị doanh nghiệp. Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền.

Nguồn: Bộ Tài chính