1. Nhà nước thu hồi đất trong những trường hợp nào?
Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về việc nhà nước thu hồi đất như sau:
Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo đó, Nhà nước ra quyết định thu hồi đất khi thuộc trường hợp thu hồi theo quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 16 Luật Đất đai 2013 quy định, các trường hợp thu hồi đất gồm:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Như vậy, chỉ khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên, Nhà nước mới xem xét ra quyết định thu hồi đất.
2. Đất nông nghiệp không sử dụng có bị thu hồi không?
Đất nông nghiệp bỏ hoang liên tục trong thời gian dài được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và thuộc trường hợp bị thu hồi đất. Cụ thể, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định:
1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Tại điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 nêu trên đã quy định cụ thể trường hợp không sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian nhất định sẽ bị thu hồi đất. Theo đó:
- Đất trồng cây hàng năm: Không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục;
- Đất trồng cây lâu năm: Không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục;
- Đất trồng rừng: Không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.
Tóm lại, nếu người sử dụng đất không dùng đất liên tục trong khoảng thời gian nêu trên với mỗi loại đất tương ứng sẽ bị Nhà nước thu hồi.
3. Trình tự, thủ tục thu hồi đất vi phạm pháp luật về đất đai thế nào?
Hiện nay, trình tự, thủ tục thu hồi đất vi phạm được thực hiện theo Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể:
Bước 1: Lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.
Bước 2: Thông báo cho người sử dụng về việc thu hồi đất
- UBND cấp có thẩm quyền thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
- UBND cấp có thẩm quyền có trách nhiệm chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp người sử dụng phối hợp trao trả lại đất vi phạm:
Cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý quỹ đất sau thu hồi và được giải phóng mặt bằng để cơ quan nhà nước giao, cho thuê hoặc đấu thầu cho các mục đích khác nhau.
- Trường hợp người sử dụng không phối hợp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế thu hồi đất.
Nguồn: Tổng hợp